CEO Phạm Quốc Nam: Giá trị truyền thông Thương hiệu – Nhân hiệu hiện nay dưới góc nhìn của người làm nghề truyền thông

Share This Post

Công ty truyền thông và sự kiện Phạm Gia Media đã nhiều năm hoạt động lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện và sản xuất các chương trình giải trí. Trong quá trình hoạt động vừa qua đã đóng góp tích cực cho công tác truyền thông quảng bá thương hiệu, nhân hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp đến người tiêu dùng qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng có sức lan tỏa rộng rải. Nhằm chia sẻ cùng bạn đọc những kinh nghiệm, những khái niệm cơ bản về nội dung và hình thức truyền thông phục vụ quảng bá thương hiệu – nhân hiệu. Tạp chí Doanh nhân Thời đại có cuộc phỏng vấn CEO Phạm Quốc Nam, giám đốc Công ty Truyền thông và sự kiện Phạm Gia Media xoay quanh chủ đề: Giá trị truyền thông Thương hiệu – Nhân hiệu hiện nay dưới góc nhìn của người làm nghề truyền thông. Mời các bạn cùng theo dõi.

PV: Thưa Ông, Ông có khái niệm thế nào về thương hiệu và nhân hiệu?

         CEO Phạm Quốc Nam: Có thể nói thương hiệu và nhân hiệu là phạm trù thường xuyên hiện diện trong lĩnh vực truyền thông hiện nay. Nếu giải thích về mặt ngôn ngữ thì chúng ta có thể hiểu một cách cơ bản là: Thương hiệu là tổng hợp tất cả những gì người tiêu dùng cảm nhận được khi tiếp xúc với sản phẩm mang thương hiệu đó. Khía cạnh tâm lý, hoặc hình ảnh của một thương hiệu, là một kiến tạo biểu tượng được tạo ra trong tâm trí người tiêu dùng và gợi lên tất cả những thông tin và trông đợi gắn với sản phẩm hoặc dịch vụ có thương hiệu đó. Còn nhân hiệu là giá trị của một cá nhân nhờ vào các nguồn lực sẳn có: Học vấn, các thành tích về kinh tế, xã hội…xây dựng lên, các giá trị này giúp cộng đồng phân biệt cá nhân với những người khác trong xã hội. Có thể nói đây là tổng hợp tất cả ấn thượng, niềm tin và tri giác mà con người ta có về một cá nhân danh tiếng, là những thứ giúp người khác nhanh chóng nhận ra bạn, là cách bạn tự quảng bá tên tuổi và định giá lời hứa bản thân. Mặt khác, nếu giải thích nôm na, dễ hiểu thì thương hiệu là tên gọi riêng cho một chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cơ sở sản xuất… còn có thể gọi là nhãn hiệu. Còn nhân hiệu thì phản ánh mang tính cá nhân, một nhân tố tiêu biểu, chủ thể là một cá nhân có đủ các yếu tố gây ấn tượng, tạo niềm tin đối với cá nhân khác hay cộng đồng.

CEO Phạm Quốc Nam

PV: Theo Ông thì truyền thông thương hiệu và nhân hiệu là thế nào?

          CEO Phạm Quốc Nam: Công tác truyền thông hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong họat động kinh doanh nói chung. Dù có rất nhiều hình thức, phương tiện để truyền thông nhưng chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là quảng bá, truyền tải thông tin đến người tiêu dùng, cộng đồng phản ánh về thương hiệu và nhân hiệu. Chính vì tính chất quan trọng đó nên công tác truyền thông thương hiệu và nhân hiệu cần đặc biệt quan tâm thỏa mãn một số yếu tố sau:

  • Phải định vị được vị trí xã hội của chủ thể (doanh nghiệp – cá nhân), họ là ai? Ở đâu? Họ muốn điều gì?
  • Xác định đối tượng nào quan tâm đến họ. Xác định ai là người mong muốn được tiếp nhận thông tin. Trước hết phải phân loại đối tượng khách thể.
  • Xác định nội dung truyền tải thông điệp gì? Đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông điệp đó đối với đối tượng thừa hưởng thông tin truyền tải.
  • Phải xác định phong cách truyền tải. Người truyền tải thông tin là ai? Ở đây muốn nói cụ thể hơn là đơn vị đứng ra truyền tải. Là doanh nghiệp truyền thông nào, có vị trí ra sao đối với cộng đồng, với xã hội. Thường thì các doanh nghiệp luôn chọn đối tác truyền thông có uy tín, có vị trí quan trọng, được cộng đồng, xã hội tín nhiệm về chất lượng thông tin, niềm tin về sản phẩm truyền thông.
  • Cuối cùng là chọn kênh truyền tải thông tin. Chọn công cụ nào, hình thức nào, phương pháp nào… để thỏa mãn tối đa hiệu quả truyền tải thông tin.

PV: Thưa Ông, theo Ông việc truyền thông có lợi ích gì đối với thương hiệu – nhân hiệu?

          CEO Phạm Quốc Nam: Có thể nhận định rằng nền kinh tế hiện nay luôn biến động. Như chúng ta đã biết, kinh tế xã hội luôn thay đổi, dịch chuyển vị trí hàng hóa trên thị trường diễn ra liên tục, nhất là nông sản, tạo ra sự chênh lệch tỷ lệ cung cầu, mặc dù có sự can thiệp, điều tiết của chính phủ, của các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn xảy ra. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, giữa các thị trường trong và ngòai nước. Trong điều kiện số hóa trong các hoạt động kinh tế, việc tiếp thị, đơn hàng hầu hết đều sử dụng qua mạng, làm cho việc chốt đơn hàng, các hợp đồng kinh tế diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên, ở mỗi doanh nghiệp đều có qui trình quản lý sản xuất kinh doanh, khó có thể thay đổi kịp thời để đối phó với dịch chuyển phức tạp của kinh tế thị trường.

          Trong điều kiện khó khăn và phức tạp này, muốn truyền thông đạt hiệu quả cao. Theo tôi, chúng ta nên bám chặt những nội dung cơ bản nhất để truyền tải thông tin đó là: Chất lượng thương hiệu, sản phẩm, nhân hiệu; uy tín, niềm tin, sự tin cậy của người tiêu dùng. Sử dụng tốt nhất phương thức truyền miệng. Muốn đẩy mạnh loại hình truyền miệng hiệu thì cái cốt lõi cần thiết nhất đó là tính vượt trội về chất lượng sản phẩm, cộng với hình thức truyền thông ấn tượng, gây chú ý. Từ những cơ sở trên, truyền thông sẽ giúp cho người ta dễ dàng nhận biết và nhớ đến thương hiệu, nhân hiệu. Đồng thời, truyền thông cũng góp phần nâng tầm thương hiệu trên thị trường.

PV: Theo ông, hiện nay sử dụng hình thức và phương tiện nào để truyền thông mang lại lợi ích tốt nhất đối với thương hiệu, nhân hiệu?

          CEO Phạm Quốc Nam: Vừa qua, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều các hình thức PR, truyền thông quảng bá thương hiệu, nhân hiệu như: Tổ chức các sự kiện lễ hội, hội thảo, diễn đàn, lễ ra mắt sản phẩm… sự lan tỏa của loại hình này ở mức nhất định, hiệu quả không cao. Hiện nay, phương tiện sử dụng truyền thông có thể nói hiệu quả cao đó là báo chí truyền thống, phát thanh truyền hình, báo điện tử và các ứng dụng mạng xã hội trên nền tảng Internet. Dựa trên cơ sở các phương tiện đó ta sử dụng triệt để các hình thức: các thể loại báo chí (Bài viết PR, tin tức, gương người tốt, phỏng vấn), hình ảnh, video, livestream trực tiếp… Vấn đề quan trọng hơn là cách thức diễn đạt như thế nào để tạo ấn tượng, gây được sự chú ý của đối tượng tiếp nhận thông tin. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của người làm nghề truyền thông.

PV: Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng truyền thông hiện nay trên các ứng dụng Internet, một số lĩnh vực như bảo hòa, ít người chú ý? Và cách làm nào để khắc phục?

         CEO Phạm Quốc Nam: Hiện tượng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội hiện nay rất đa dạng, phong phú về hình thức và đa chiều thông tin. Từ đó, nảy sinh hiện tượng rối loạn, làm cho người tiếp nhận thông tin khó khăn trong phân biệt tính trung thực của thông tin. Nhiều kênh quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm chưa đạt yêu cầu về kiểm định chất lượng, gây mất lòng tin khách hàng. Chưa nói đến một số đối tượng dùng mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của nhà nước với mục đích chia rẽ đoàn kết dân tộc. Có thể nói đây là vấn nạn trong thực trạng mạng xã hội hiện nay. Cũng từ lý do này, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những kênh truyền thông chân chính,  đồng thời dẫn đến hiện tượng bão hòa trong công tác truyền thông.

Để góp phần từng bước giảm bớt hiện tượng này, đồng thời làm cho truyền thông mang lại hiệu quả cao, công tác truyền thông cần chú ý một số yếu tố sau: Chủ thể cần truyền thông phải đảm bảo yếu tố uy tín, chất lượng, cam kết… trên cơ sở xác nhận của pháp luật. Xác nhận đúng đối tượng tiếp nhận thông tin để sử dụng phương tiện và hình thức truyền tải thông tin hiệu quả nhất. Khi đảm bảo tốt các yếu tố này đương nhiên sẽ tạo nên chất lượng thông tin và niềm tin của đối tượng tiếp nhận thông tin. Điều quan trọng hơn để đối phó với hiện tượng bão hòa truyền thông hiện nay là ngành truyền thông phải nghiên cứu, luôn sáng tạo, phải liên tục đổi mới, tạo sự khác biệt về nội dung, hình thức, thể loại truyền thông, nắm bắt kịp thời nhu cầu thông tin của xã hội… nhằm ứng dụng, tạo hiệu quả tốt nhất đối với truyền thông thương hiệu, nhân hiệu trong tình hình hiện nay.

PV: Tạp chí Doanh nhân Thời đại chân thành cảm ơn Ông. Chúc Ông luôn thành đạt và hạnh phúc!

 

Trích từ Tapchidoanhnhanthoidai.com

Subscribe To Our Newsletter

Get updates and learn from the best

Xem Thêm